Hướng Dẫn Nuôi Kiến Cảnh Cho Người Mới

Hướng dẫn nuôi kiến cảnh cho người mới

Hướng Dẫn Nuôi Kiến Cảnh Cho Người Mới

Hướng Dẫn Nuôi Kiến Cảnh Cho Người Mới

Nuôi kiến là một bộ môn thú vị, nó giúp chúng ta lại gần với thiên nhiên hơn và được quan sát hành vi của loài vật có tập tính xả hội gần giống với người nhất ngay tại nhà. Qua đó chúng ta sẽ học được thêm những điều hay ho về thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, không phải loài kiến nào cũng nuôi được và không phải cứ đem về thả vô hộp mà chúng sẽ sống. Bài viết này sẽ hướng dẫn các bạn từng bước để bắt đầu nuôi kiến.

HƯỚNG DẪN NUÔI KIẾN CẢNH BƯỚC 1: TÌM KIẾN CHÚA HOẶC MỘT ĐÀN KIẾN

Để nuôi được kiến thì yếu tố bắt buộc bạn cần là phải có được đàn kiến, vậy bắt kiến như thế nào? Sẽ có 3 cách để bạn bắt kiến:

  1. Bắt kiến chúa vào mùa sinh sản
  • Kiến sẽ sinh sản quanh năm, nhưng giai đoạn nhiều loài kiến sinh sản đông đúc và nhộn nhịp nhất sẽ rơi vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Sau những hôm mưa to là dấu hiệu của mùa sinh sản kiến bắt đầu. Khi này kiến chúa non và kiến đực sẽ bay khỏi tổ mẹ và bắt đầu giao phối.
  • Bạn hãy tranh thủ thời gian này đến những nơi sáng đèn và có nhiều cây như công viên, các bảng hiệu sẽ có tỉ lệ cao bắt gặp kiến chúa và kiến đực tại đó. Khi này bạn hãy bắt và cho kiến chúa và kiến đực vào hộp nhựa hoặc ống nghiệm để chúng có thể giao phối với nhau.
  • Sau khi giao phối xong, kiến đực sẽ chết đi còn kiến chúa sẽ cắt bỏ đôi cánh và bắt đầu đẻ trứng.
  1. Đào bắt một đàn kiến mang về
  • Cách này là cách mình không khuyến khích nhất vì nó sẽ gây ảnh hưởng đến cảnh quan, ảnh hưởng đến loài sinh vật sống tại khu vực đó và hơn hết là bạn sẽ có thể sẽ làm hại đến chính đàn kiến đó.
  • Nhưng nếu như bạn đã quyết định đào bắt kiến thì hãy bắt gần hết kiến có trong tổ kể cả trứng, ấu trùng và kén/nhộng. Bởi vì nếu số lượng kiến trong đàn giảm đi một cách nhanh chóng, đàn kiến sẽ bị stress và sẽ sớm ra đi.
  1. Tìm mua một đàn kiến
  • Đây có thể là cách dễ nhất dành cho bạn bởi có rất nhiều người bán kiến trên thị trường và kiến sẽ được vận chuyển đến tận nhà cho bạn trong ống nghiệm hoặc trong hộp. Tuy nhiên, cũng có rủi ro bạn sẽ gặp phải những người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mới để bán những đàn kiến không chất lượng hoặc thậm chí là lừa tiền bạn, cho nên hãy nghiên cứu thật kỹ về uy tín của người bán khi quyết định mua hàng nhé.
Hướng Dẫn Nuôi Kiến Cảnh Cho Người Mới
Camponotus Irritans / Dòng kiến quốc dân dành cho người mới

HƯỚNG DẪN NUÔI KIẾN CẢNH BƯỚC 2: SETUP CHUỒNG / TANK NUÔI KIẾN

Chuồng nuôi kiến hay còn gọi là Tank Nuôi Kiến sẽ có rất nhiều kiểu, đối với mỗi loài kiến khác nhau, mỗi giai đoạn khác nhau của tổ kiến bạn sẽ cần những Tank nuôi khác nhau về kích cỡ và chất liệu.

  1. Kích cỡ Tank Nuôi Kiến phù hợp với số lượng kiến thợ
  • Một lỗi sai nhiều người mới chơi mắc phải là thường muốn sắm 1 Tank to để sử dụng dần về sau. Nhưng kích thước Tank quá to sẽ kiến khó thích nghi, thụ động, làm cho trải nghiệm nuôi sẽ rất chán hoặc kiến sẽ xả rác trong tổ, lâu dần sẽ bị nấm mốc và dẫn đến chết cả đàn.
  • Trong trường hợp bạn chỉ có 1 kiến chúa hoặc 1 kiến chúa và vài kiến thợ, ống nghiệm sẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất, bạn chỉ cần bỏ nước sạch vào nửa ống nghiệm, chèn bông gòn vào và bạn đã có một setup để nuôi. Hoặc có điều kiện hơn bạn có thể sử dụng tank dưỡng, đây là những chiếc tank được thiết kế đặc biệt dùng để nuôi dưỡng kiến chúa trong giai đoạn đầu thành lập tổ.
  1. Chất liệu Tank Nuôi Kiến phù hợp với loài
  • Có nhiều chất liệu Tank nuôi như ytong, mica, thạch cao, in 3D, đất, v.v. Không có chất liệu nào phù hợp cho tất cả loài kiến, mỗi chất liệu đều sẽ có ưu, nhược điểm riêng như:
Chất Liệu Ưu Điểm Nhược Điểm
Ytong Độ thoáng khí tốt, không lo bị dư ẩm Khá giòn, không nuôi được những loại đục phá mạnh
Mica Có độ cứng cao nhất Khó thoát ẩm vì thiếu độ thông thoáng
Thạch cao Một số loại có độ cứng cao Bị tỏa nhiệt khi cấp ẩm cho kiến
In 3D Độ cứng tương đối, thông thoáng khá tốt Những loài kiến nhỏ sẽ dễ đào tẩu

 

Đất Tạo được môi trường tự nhiên cho kiến Không thể ngắm kiến và khó dọn vệ sinh

Cho nên sẽ cần bạn phải nghiên cứu xem loài kiến bạn định nuôi phù hợp với loại vật liệu gì để tạo được môi trường tốt nhất cho kiến.

 

HƯỚNG DẪN NUÔI KIẾN CẢNH BƯỚC 3: TẠO MÔI TRƯỜNG PHÙ HỢP VỚI KIẾN

Độ khó chơi của loài kiến sẽ phụ thuộc vào khả năng thích nghi của loài kiến đó trong môi trường nuôi nhốt. Loài càng khó chơi đòi hỏi bạn phải tạo ra môi trường sống giống với môi trường tự nhiên nhất của loài đó thì tổ kiến đó mới sinh sống được.

Một số loài kiến sẽ cần độ ẩm rất cao đến 70-85%, yêu cầu bạn phải cấp ẩm thường xuyên và nuôi trong tank trữ ẩm tốt. Một số loài sẽ cần nhiệt độ mát từ 21 – 26°C độ, đòi hỏi bạn phải nuôi trong phòng có máy lạnh. Hoặc một số loài kiến cây sẽ cần độ thoáng khí cao nên bạn phải đặt chuồng nuôi ở nơi thoáng mát, nhiều gió.

Việc này đòi hỏi bạn phải nghiên cứu xem loài kiến mình cần gì và mình có thể cung cấp những thứ đó cho chúng hay không trước khi rước kiến về nhé.

> Xem thêm thông tin về các dòng kiến : Tại đây

> Xem thêm tư liệu tiếng anh : Tại Đây 

 

HƯỚNG DẪN NUÔI KIẾN CẢNH BƯỚC 4: CÁCH CHO KIẾN ĂN VÀ VỆ SINH TỔ

Kiến sẽ có 2 nguồn dinh dưỡng chính là đồ ngọt và đạm. Đồ ngọt sẽ giúp kiến có năng lượng để hoạt động, đạm để giúp kiến chúa đẻ và ấu trùng phát triển. Tùy theo loài kiến mà chúng sẽ thích ăn ngọt nhiều hơn hay ăn đạm nhiều hơn nhưng bạn vẫn phải đảm bảo chúng được ăn cả 2 để phát triển khỏe mạnh.

Đồ ngọt có thể đến từ nước đường, mật ong pha loãng, trái cây hoặc các dung dịch mật đặc chế dành cho kiến. Bạn hãy nhỏ vài giọt vào nắp chai hoặc một chiếc đĩa nhỏ và nông để cho kiến uống. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng tháp nước đường chuyên dụng cho kiến.

Đạm là các loài côn trùng như sâu, gián. Bạn có thể tìm nguồn thực phẩm này tại các nơi bán chim kiểng. Bạn không nên cho kiến ăn những côn trùng bắt từ tự nhiên vì tỉ lệ cao chúng sẽ mang những mầm bệnh trong người dẫn đến lây lan ra cả đàn.

Đã có ăn tất sẽ có rác thải, kiến cũng giống vậy. Thông thường kiến sẽ tha rác vào 1 góc trong chuồng nuôi, rác sẽ bao gồm phân, thức ăn thừa, xác kiến, v.v. Bạn hãy đảm bảo dọn sạch rác ít nhất 1 tuần 1 lần để tránh sinh ra nấm mốc và ve ký sinh. Bạn có thể dùng cọ, muỗng hoặc thậm chí là máy hút bụi mini để dọn dẹp.

 

HƯỚNG DẪN NUÔI KIẾN CẢNH BƯỚC 5: CÁCH QUAN SÁT KIẾN

Tuy kiến được biết đến với khả năng hiếu chiến và sự mạnh mẽ, nhưng thực tế phần lớn loài kiến khá “mỏng manh” dễ bị “stress”. Bạn ngắm nhìn kiến sai cách cũng có thể làm chi kiến bị stress, bỏ ăn hoặc thậm chí là ăn luôn cả trứng, ấu trùng và ăn lẫn nhau.

Trong giai đoạn nuôi từ 1 kiến chúa hoặc đàn nhỏ, việc ngắm nhìn kiến là điều bạn nên giảm đến mức tối đa (mỗi tuần 1 lần hoặc tốt nhất là 2 tuần 1 lần). Khi đàn kiến đã lớn dần hơn, bạn có thể tập dần cho kiến làm quen với ánh sáng bằng cách loại bỏ miếng che sáng của tank.

Bạn có thể quay phim, chụp hình kiến thoải mái nhưng hãy cẩn thận đừng để thiết bị quay chụp đập vào mặt kính của chuồng nuôi nhiều lần. Những chấn động nhỏ, liên tục cũng sẽ khiến cho kiến bị stress. Đối với một số giống kiến có thị lực tốt như Harpegnathos, bạn không nên dùng đèn flash để chiếu vào tổ.

Nuôi kiến không chỉ là một sở thích thú vị mà còn là cơ hội để chúng ta tìm hiểu về thế giới tự nhiên phong phú và đa dạng. Qua quá trình chuẩn bị môi trường sống, chăm sóc và quan sát sự phát triển của đàn kiến, người nuôi sẽ có được những trải nghiệm quý giá về sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và yêu thương sinh vật.

Hy vọng rằng, với những hướng dẫn từng bước cụ thể đã được trình bày, ngay cả những người mới bắt đầu cũng có thể tiếp cận và phát triển niềm đam mê này. Hãy nhớ rằng, mỗi bước nhỏ bạn thực hiện không chỉ giúp đàn kiến của bạn phát triển mạnh mẽ mà còn góp phần vào việc bảo tồn và tôn trọng cuộc sống muôn loài. Hãy thử sức nuôi kiến cảnh cùng S Ants Việt Nam nhé !!!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *